Những phi hành gia nghĩ gì về bộ phim Interstellar?
Một vài ngày trước, tôi và một nhóm đồng nghiệp ở SpaceX đã dành một buổi chiều để xem “Interstellar” của Christopher Nolan. Chúng tôi cực thích nó. Thật ra, chúng tôi cũng ít khi tụ tập đi chơi. Chúng tôi cũng có thể ngồi xem “Gigli” và cũng sẽ thích bộ phim đó.
Với tôi, tôi thấy bộ phim rất hay, nhưng có một vài điều tôi cảm thấy không chính xác. Đầu tiên và quan trọng nhất – việc casting. Ý tôi là, có cần thiết đến mức cứ phim về vũ trụ là cho diễn viên như Matthew McConaughey, Anne Hathaway, George Clooney, Sandra Bullock, Tom Hanks và Kevin Bacon vào đóng à? Làm thế nào mà tôi sống nổi với điều đó đây? Tôi chỉ cao có 1m65 thôi làng nước ơi! Một lần, chỉ một lần thôi, không ai có thể làm một bộ phim bom tấn phiêu lưu hành động vũ trụ với sự tham gia của Paul Giamatti hay Wallace Shawn sao?? Làm ơn đi? (Ý bác ấy là tìm diễn viên vừa lùn vừa xấu lại nhìn hài hài vào đóng cho chân thật
Chỉ có tí xíu lỗ hổng đáng lưu ý thôi. (Spoilers alert!)
Ví dụ, không có cách nào một bộ máy quan liêu của chính phủ lớn như NASA lại có cuộc họp chỉ với một nhúm người tham gia được.
Thứ hai là, cũng như mấy chục phim khác với những con tàu vũ trụ auto có trọng lực nhân tạo, tàu Endurance (tàu liên hành tinh trong phím í các bạn) có đường kính quá nhỏ để có thể tạo trọng lực tương tự như trên Trái Đất.
_Cuối cùng, nếu một nền văn minh tiên tiến có thể tạo ra một Khối Lập Phương trữ toàn bộ kiến thức xuyên không gian – thời gian, sao tụi nó không chế ra luôn cái bảng viết hỉ? Tôi biết là sách bay bay, đồng hồ không hoạt động bình thường, và mấy cái mẫu hình nhị phân sương khói làm phương thức giao tiếp thì nghệ hơn nhiều, nhưng để giải thích một lý thuyết thống nhất hoàn toàn mới về lực Hấp dẫn thì vẫn dễ hơn với các phép tính cũng như biểu đồ chứ không phải những tập hợp dữ liệu nhị phân ngẫu nhiên.
Nhưng có rất nhiều thứ mà Interstellar đã tái hiện lại đúng từng centimet. Nhiều hiệu ứng về vật lý tương đối hoàn toàn chính xác. (Hoặc ít nhất là tôi được một số bạn bè Caltech của tôi kể lại.) Thật thú vị khi thấy nhiều cảnh phim có dùng phần mềm không gian mà tôi quen thuộc. Cái tủ đông chứa phôi của con cháu chúng ta giống hệt như cái đang ở trên Trạm Không gian Quốc tế. (Mặc dù chúng ta không có vật liệu di truyền để đủ sinh sôi cả một hành tinh trong đó, nhưng có lẽ đó là một ý tưởng hay …) Các cửa sổ bán cầu trên bề mặt tàu Endurance giống y như Cupola trên Trạm Không gian Quốc tế và nhiều bảng điều khiển hệt như trên tàu con thoi Endeavour. Và như tất cả chúng ta đều biết, tình yêu thực sự vượt qua thời gian và không gian. (aw )
Điều đặc biệt thú vị đối với tôi là mức độ Cooper thường xuyên điều khiển tàu vũ trụ của mình bằng tay. Mặc kệ xu hướng của thế giới đang hướng đến mục tiêu tự động hóa, có vẻ như cứ mỗi năm phút là anh này lại đi nắm cái cần và kiểm soát con tàu bằng tay. Ý nghĩa ẩn dụ của phim rõ ràng thể hiện nỗ lực tuyệt vọng của nhân vật muốn kiểm soát vận mệnh của họ, và vận mệnh giống loài của mình. ‘Interstellar’ thể hiện một ý niệm vô cùng mạnh mẽ về ý chí tự do của người Mỹ – rằng chúng ta đều là những con người tự do có thể đưa ra lựa chọn định hình vận mệnh của chúng ta. Một gánh nặng mang tên trách nhiệm luôn đi cùng với ý chí tự do này; chúng ta chứng kiến sự thất bại nghiệt ngã của Giáo sư Brand trong cuộc đấu tranh vô ích để thay đổi số mệnh của toàn nhân loại theo ý mình. Ý chí tự do là một thành phần không thể thiếu của nguyên mẫu thuần anh hùng Mỹ – nhà thám hiểm, người tiên phong – một cá nhân duy nhất dám đối mặt với thử thách và cứu nhân loại bằng khả năng, sự can đảm và sáng suốt – Cooper. Trong khi các nền văn hoá khác cổ vũ các giá trị nỗ lực của tập thể hoặc tin tưởng vào số phận hơn là ca ngợi thành tựu cá nhân, chúng tôi lại không như thế. Chúng tôi chấp nhận gánh nặng từ lựa chọn của mình cũng như phần thưởng mà nó mang lại. Khuôn mẫu này là một phần trong tính cách dân tộc và là điều thật sự quan trọng để truyền lại cho hậu nhân sau thế hệ của Coopers khi chúng ta đối mặt với những biên giới mới của vũ trụ.
Tất nhiên, chủ đề chính khác của ‘Interstellar’ là mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Khía cạnh này của bộ phim cũng hoàn toàn làm tôi rung động.
Một thời gian về trước, tôi trở về sau một buổi tọa đàm vẫn đang mang chiếc áo xanh phi hành gia NASA. Về đến nhà, tôi liền cho cậu con trai 4 tuổi lên giường đi ngủ, bé con nhìn tôi và hỏi có phải bố nó lại bay vào vũ trụ nữa không. Khi nghe tôi trả lời là Không, bé con lại hỏi, “Thế bố có sắp đi lên đó nữa không?”
“Bố sẽ không đi mà không có con.” Tôi trả lời con, thật lòng.
Lúc đầu, một cái vẻ thỏa mãn tin tưởng ngập tràn trên khuôn mặt thằng bé, nhưng rồi đột nhiên lại trở nên nhăn nhó và lo lắng.
“Nhưng bố ơi, con không có bộ phi hành gia nào cả.” thằng bé bảo.
Tôi yêu bé con thật nhiều đến mức nguyện bay vào hố đen để cứu nó.
Garrett Reisman, Cựu phi hành gia NASA